Kiến thức bệnh tiểu đường

Tiểu đường tuýp 1 là gì? Cách điều trị bệnh hiệu quả

Trong tổng số người bị tiểu đường hiện nay, chỉ có dưới 5% thuộc tiểu đường tuýp 1 hiếm gặp. Bệnh có thể xảy ra nhanh chóng ở những người trẻ, nhưng cũng có thể phát triển rất chậm ở người già. Vậy làm sao để kiểm soát tốt bệnh tiểu đường tuýp 1?

1. Khái quát về bệnh tiểu đường tuýp 1

Bệnh tiểu đường tuýp 1 xuất hiện khi các tế bào tuyến tụy bị phá hủy, không thể tiết ra insulin. Điều này gây ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa đường trong tế bào.

Theo thống kê, có tới 80% người mắc căn bệnh này do hệ miễn dịch suy giảm, dẫn tới tự sinh ra các kháng thể. Bệnh thường phổ biến hơn ở những người trẻ. Tuy vậy không có nghĩa chỉ có mỗi người trẻ mới bị mắc bệnh. Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh nếu không có biện pháp chủ động phòng tránh.

Người trẻ tuổi có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 cao hơn.

Đa số những người mắc tiểu đường (trên 95%) xuất phát do béo phì. Chế độ ăn uống không cân đối, thói quen sinh hoạt bất hợp lý, lười vận động, tuổi tác tăng dần là nguyên nhân khiến bệnh phát triển nhanh chóng hơn.

2. Triệu chứng điển hình của Tiểu đường tuýp 1

Mọi người cần hiểu rõ tuýp 1 được chia ra làm 3 loại: loại phát bệnh cấp tính, loại phát bệnh từ từ, loại nguy cấp. Dựa vào thông tin từ trạng thái trước khi phát bệnh, thời gian của các triệu chứng mà có thể phân biệt với tiểu đường tuýp 2. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ từng loại.

– Tiểu đường tuýp 1 – loại phát bệnh cấp tính

Tiểu đường tuýp 1 – loại phát bệnh cấp tính là loại hay gặp nhất trong tiểu đường tuýp 1. Có thể chỉ vài tháng hoặc vài tuần là đã tiến triển thành bệnh.

Triệu chứng:

  • Hay khát nước, đi tiểu nhiều lần (lượng nước tiểu mỗi lần nhiều), sụt cân. Sau vài tháng chức năng tiết insulin sẽ hoàn toàn biến mất.
  • Giảm khả năng tiết insulin, các triệu chứng đi kèm với rối loạn thần kinh ngoại biên

Tiểu đường tuýp 1 – loại cấp tính có đặc trưng là do tính tự miễn dịch và dương tính với “các tự kháng thể liên quan tới đảo tụy”. Các kháng thể này tồn tại dưới dạng protein trong cơ thể sẽ tự tấn công các tế bào tụy, khiến tụy bị phá hủy.

– Tiểu đường tuýp 1 – loại phát bệnh từ từ

Tiểu đường tuýp 1 – loại phát bệnh từ từ là bệnh phần lớn xuất hiện ở người từ 30-50 tuổi, và bệnh tiến triển một cách chậm rãi. Do đó cũng có trường hợp bị nhầm lẫn với tiểu đường tuýp 2. Loại này cũng có tính tự miễn dịch, các tế bào tụy cũng bị hệ miễn dịch tấn công, phân biệt rõ với tiểu đường tuýp 2.

Việc phát hiện sớm và phân biệt rõ ràng là cực kỳ cần thiết, vì tiểu đường tuýp 1 – loại phát bệnh từ từ và tiểu đường tuýp 2 sẽ có những cách điều trị khác nhau vào những giai đoạn khác nhau.

Tiểu đường tuýp 1

Người tiểu đường tuýp 1 thường khát nước liên tục, cơ thể mệt mỏi

– Tiểu đường tuýp 1 – loại nguy cấp

Đây là loại khác hoàn toàn so với 2 loại trên, không hề liên quan tới tính tự miễn dịch, và hiện cũng chưa rõ nguyên nhân. Như tên gọi – loại nguy cấp, loại này cũng là loại có thời gian phát bệnh nhanh nhất. Chỉ sau vài ngày với các triệu chứng của cảm cúm như đau họng, sốt, đau bụng,v.v.. là bệnh đã khởi phát. Chỉ sau đó vài ngày, insulin sẽ biến mất và kèm theo rối loạn ý thức có thể xuất hiện.

3. Những xét nghiệm cần thiết cho việc chẩn đoán Tiểu đường tuýp 1

Đối với những người được xác định là bị bệnh tiểu đường, việc tiếp theo là “chẩn đoán loại bệnh”, cụ thể là dựa vào nguyên nhân bệnh để khám và chẩn đoán phân biệt bệnh tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2.

Mặc dù có nhiều phương pháp để kiểm tra đó có phải tiểu đường tuýp 1 không, nhưng yếu tố quyết định cuối cùng để chẩn đoán tuýp 1 là xem trong cơ thể có tồn tại protein được gọi là “tự kháng thể” sẽ nhầm lẫn tự tấn công và phá hủy tế bào. Các tự kháng thể phổ biến là “kháng thể GAD”, “kháng thể tế bào đảo tụy <ICA>”, “tự kháng thể insulin <IAA>”, “kháng thể IA-2”,…. Một khi các kháng thể này được tìm thấy, khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 rất cao.

Mặt khác, có 20% bệnh tiểu đường tuýp 1 không phải do mất khả năng kiểm soát miễn dịch và tự kháng thể không được tạo ra. Nói cách khác, trong số 5 người bị bệnh tiểu đường tuýp 1 thì có 1 người mắc bệnh do tế bào tuyến tụy bị phá hủy không rõ nguyên nhân và insulin không được tiết ra. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường tuýp 1 khởi phát cấp tính (2012), trường hợp dù không tìm thấy tự kháng thể nhưng insulin không được tiết ra từ tuyến tụy hoặc có tiết ra nhưng lượng không đủ thì có khả năng cao là bệnh tiểu đường tuýp 1.

Insulin tiết ra từ tuyến tụy được chuyển hóa ngay sau khi được tiết ra, do đó không thể lấy mẫu máu và đo được. Khi insulin được tiết ra từ tuyến tụy, lượng insulin tiết ra có thể được ước tính bằng cách đo thành phần “C-peptide” đồng thời tiết ra với lượng giống nhau. Chất này thường được sử dụng vì nó có thể đo được trong nước tiểu. Đo lượng C-peptide trong nước tiểu và máu, nếu kết quả cho giá trị cực kỳ thấp, bệnh nhân có thể được chẩn đoán là bệnh tiểu đường tuýp 1.

Để kiểm tra xem insulin có được tiết ra từ tuyến tụy hay không, tiến hành xét nghiệm gọi là “xét nghiệm dung nạp glucose đường uống (OGTT)”. Các bác sĩ sử dụng kết quả của xét nghiệm này như là một căn cứ để chẩn đoán đó có phải là bệnh tiểu đường loại 1 không.

Khi kiểm tra để xác nhận bệnh tiểu đường tuýp 1, tuổi tác cũng là yếu tố cần tham khảo. Nhiều người bị bệnh tiểu đường tuýp 1 được cho biết bệnh đã khởi phát từ nhỏ đến khi trưởng thành. Cầu thủ Sugiyama Arata của giải J League đã bị bệnh tiểu đường tuýp 1 khi 23 tuổi và là cầu thủ được biết đến vẫn hoạt động như một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp dù bị bệnh tiểu đường. Người ta nói rằng nhiều bệnh tiểu đường tuýp 1 thường khởi phát ở những người trẻ tuổi. Ngược lại, bệnh tiểu đường tuýp 2 thường khởi phát ở những người béo phì và trung tuổi. Tuy nhiên, cũng có những người bị bệnh tiểu đường tuýp 1 khi trung tuổi, do đó không thể phân loại bệnh tiểu đường theo độ tuổi.

Bệnh tiểu đường có lộ trình điều trị khác nhau tùy thuộc vào đó là bệnh tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2. Ngoài ra, lối sống của bệnh nhân cũng sẽ thay đổi theo cách điều trị khác nhau. Khám bệnh tiểu đường và chẩn đoán xem đó là tuýp 1 hay tuýp 2 là rất quan trọng trong việc tiến hành điều trị và sống cùng với bệnh.

4. Cải thiện tiểu đường tuýp 1: tại sao insulin lại được ưu tiên?

Những điểm cần chú ý:

+ Vì tiểu đường tuýp 1 thiếu insulin nên điều trị bằng tiêm insulin là bắt buộc.

+ Các phương pháp mới như tiêm insulin dưới da liên tục, vòng theo dõi đường huyết giúp kiểm soát đường huyết cũng đã khả dụng.

+ Nhờ các phương pháp điều trị tiên tiến hiện nay, người mắc tiểu đường tuýp 1 cũng có thể sống cuộc sống như người bình thường.

– Cách duy nhất chữa tiểu đường tuýp 1 là tiêm bổ sung insulin

Mọi người thường nghĩ rằng nếu điều trị tiểu đường thì cố gắng chọn những phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Chính vì vậy cũng đã có người tập trung vào thuốc uống điều trị tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên tiểu đường tuýp 1 là loại bệnh mà chắc chắn cơ thể không đủ insulin để dùng, cho nên mọi người không thể lựa chọn thuốc uống được. Căn bản của trị liệu tiểu đường loại 1 là tự tiêm insulin.

Tiểu đường tuýp 1

Insulin được xem là giải pháp giúp người tiểu đường tuýp 1 kiểm soát bệnh

Hiện tại trong điều trị tiểu đường tuýp 2, các loại thuốc uống có tác dụng tăng khả năng tiết ra insulin của tụy, phân giải hoặc trì hoãn tác dụng của đường (glucose). Theo đó, tăng hiệu quả của insulin trong cơ thể và làm giảm các triệu chứng của bệnh tiểu đường. Nói 1 cách đơn giản hơn là giúp cho insulin được cơ thể tạo ra hoạt động một cách hiệu quả hơn.

Thế nhưng tuýp 1 là bệnh mà tế bào tụy tiết ra insulin bị phá hủy. Cơ thể không có insulin (không tạo ra insulin được) nên giải pháp duy nhất là phải tiêm bổ sung insulin.

Khi ăn, cơ thể sẽ tiết ra một lượng insulin thích hợp để giúp lượng đường huyết duy trì ở mức ổn định, làm cơ thể khỏe mạnh. Thuốc insulin trong điều trị tiểu đường lấy điều này làm căn bản, tức là đưa cơ thể về trạng thái tiết insulin giống như người khỏe mạnh bình thường.

– Tiêm insulin 1 ngày từ 1 đến 2 lần

Để cơ thể có thể tiết insulin ra từng chút một giống như bình thường, người ta sẽ sử dụng một loại thuốc insulin có hiệu quả tương đối dài (loại tác dụng trung gian hoặc loại tác dụng kéo dài) được tiêm 1 ngày từ 1 đến 2 lần. Mặt khác, khi ăn uống, để khôi phục khả năng tiết insulin ngay lập tức (tiết bổ sung) người ta sẽ tiêm một loại insulin tác dụng nhanh. Nó còn được gọi là liệu pháp insulin tích cực.

Một vấn đề gặp phải khi tiêm insulin là phần da chỗ tiêm sẽ trở nên cứng nếu tiêm lặp lại nhiều lần ở cùng một chỗ. Ngoài ra việc theo dõi một ngày tiêm bao nhiêu lần cũng rất khó. Để khắc phục những vấn đề này, có một phương pháp “truyền insulin dưới da liên tục (CSII)” mà không cần tiêm nhiều lần. Cách này cũng được gọi là “bơm insulin”, là một máy bơm gắn vào cơ thể và duy trì tiêm insulin dưới da tương đương với lượng tiết cơ bản từ một kim tiêm ở bụng. Hơn nữa, có thể tiêm insulin tương ứng với lượng tiết bổ sung bằng cách thay đổi tốc độ của máy bơm trước mỗi bữa ăn. Tần suất thay thế máy bơm chỉ vài lần một vài ngày, giúp bệnh nhân tránh được việc phải tiêm nhiều lần trong 1 ngày.

Cách bơm insulin này gần với nhịp độ tiết insulin tự nhiên của cơ thể, nên có điểm lợi là bệnh nhân có thể ăn uống và vận động thoải mái. Ngoài ra, người ta cho rằng việc sử dụng bơm insulin giúp làm giảm tỷ lệ bị các biến chứng tiểu đường như bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh thần kinh tiểu đường, bệnh thận do tiểu đường.

Khi tự tiêm insulin, bệnh nhân cần tự đo lượng đường trong máu của mình. Việc đo này cũng rất khó khăn đối với bệnh nhân. Dùng cây kim nhỏ chích ở đầu ngón tay để máu chảy ra và đo lượng đường trong máu. Đây là cách đo đem lại đau đớn cho bệnh nhân khi phải làm nhiều lần trong ngày. Do đó, có thể đo đường huyết bằng cách đo lượng đường của dịch kẽ dưới da mà không cần lấy máu. Đeo thiết bị cảm biến trên cánh tay và lượng đường trong máu có thể được đo liên tục trong 14 ngày. Có thể đo lượng đường trong máu liên tục mà không cần đâm kim nhiều lần.

Ngoài ra còn có một phương pháp điều trị được gọi là liệu pháp SAP kết hợp truyền insulin dưới da bền liên tục với một màn hình quan sát đường huyết liên tục để kiểm soát đường huyết thích hợp hơn.

– Ghép tụy

Bên cạnh đó còn có phương pháp ghép tụy cho người không thể kiểm soát được đường huyết. Nhiều bệnh nhân còn bị rối loạn chức năng thận, vì vậy tụy và thận thường được cấy ghép cùng một lúc. Sau khi cấy ghép, bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, nhưng có báo cáo rằng tuổi thọ của bệnh nhân được cấy ghép dài hơn bệnh nhân không cấy ghép.

Các nghiên cứu khác về tuyến tụy nhân tạo đang được tiến hành. Ví dụ: ngày 27 tháng 5 năm 2016 đã công bố chính sách phê duyệt trong trường hợp bệnh nhân thỏa mãn điều kiện ghép tế bào tuyến tụy của lợn với người mà Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã cấm từ trước đến nay. Do đó, số lượng người có thể điều trị ghép cho đến nay có thể được cải thiện trong tương lai gần.

Việc phát triển thành công “cấy ghép tế bào đảo tụy lợn vi nang được bọc trong một bao nhỏ gọi là “vi nang” cũng đã được công bố. Bằng cách đó, người ta cho rằng sự viêm nhiễm và phản ứng loại thải miễn dịch gây ra bởi sự cấy ghép tế bào động vật lên con người có thể giảm đáng kể.

Ngoài ra, vì phần lớn bệnh tiểu đường tuýp 1 là do bất thường của hệ thống miễn dịch nên đã có “liệu pháp miễn dịch” nhằm điều trị những bất thường này của hệ thống miễn dịch. Mặc dù các loại thuốc có tác dụng trên một số hệ thống miễn dịch đã được thử nghiệm nhưng không đạt đến hiệu quả trong việc chữa trị bệnh tiểu đường tuýp 1.

Hiện tại mặc dù chưa công bố nhưng nghiên cứu về tái sinh chính tuyến tụy cũng được khuyến khích. Có những nghiên cứu về tạo và cấy chính tuyến tụy trong cơ thể heo bằng cách sử dụng tế bào ES và tế bào iPS và nghiên cứu để tái tạo tuyến tụy trong cơ thể bằng cách kích thích mạng nơ-ron.

4. Tổng kết

Trong tổng số người bị tiểu đường hiện nay, chỉ có dưới 5% thuộc tiểu đường tuýp 1 hiếm gặp. Bệnh có thể xảy ra nhanh chóng ở những người trẻ, nhưng cũng có thể phát triển rất chậm ở người già. Dù là đối tượng người bệnh nào thì việc thiếu hụt insulin là không thay đổi, tiểu đường tuýp 1 không phải bệnh có thể trị liệu bằng ăn uống, tập luyện được mà cần điều trị bằng insulin.

Khi bệnh càng phát triển, việc tiêm insulin và theo dõi đường huyết càng cần diễn ra liên tục hơn. Điều này có thể gây khó khăn cho người bệnh. Tuy nhiên với sự phát triển càng ngày càng hiện đại của y học cùng các thiết bị hỗ trợ tiêm insulin và đo đường huyết liên tục đã giúp cho người bệnh có thể tự kiểm soát, chữa trị bệnh dễ dàng hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *